Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) – Ý kiến từ góc nhìn chuyên môn

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với nhiều thay đổi đáng chú ý liên quan tới hộ kinh doanh, quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, tỷ lệ vốn điều lệ trong doanh nghiệp nhà nước… Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 218 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Đa số ý kiến đều cho rằng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) rất quan trọng và kịp thời trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi từ thể chế đến môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới, một số luật sư cũng góp thêm ý kiến từ góc nhìn chuyên môn:

Ông Phạm Ngọc Hưng – Giám đốc Công ty luật Phạm Hưng

“Nhiều điểm mới có lợi cho doanh nghiệp”

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền xem xét, tra cứu và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, quyết định của hội đông quản trị, báo cáo tài chính, yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông trong một số trường hợp… Luật sửa đổi mở rộng mức độ, phạm vi quyền của các cổ đông, tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và cũng rất hợp với Luật Chứng khoán. Điều này góp phần quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.

Luật cũng hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Đây là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp năm 2013 quy định và cũng là xu thế của thế giới hiện đại. Điều này rất tốt và mở rộng thêm quyền lợi cho doanh nghiệp.

Một điều thuận lợi nữa là doanh nghiệp không cần thông báo mẫu dấu cũ của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh mà chỉ cần đăng ký qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử. Việc bỏ thủ tục này giúp giảm bớt thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong giao dịch dân sự và giao dịch với cơ quan nhà nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp, nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh quốc gia.

Tất cả những điều trên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cả trong quản lý. Luật Doanh nghiệp thoáng hơn cho doanh nghiệp, từng bước còn liên kết với Luật Đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhiều hơn những vấn đề phải sửa đổi như “giấy phép con”, “giấy phép cháu” hay quyền từ chối kiểm tra… Hiện nay, doanh nghiệp chịu sự kiểm tra, giám sát của quá nhiều đơn vị như phòng cháy chữa cháy, môi trường, thuế… Mà các đơn vị này cứ thích là kiểm tra và như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo tôi, nên có quy định quyền của doanh nghiệp để doanh nghiệp tự kiểm tra và tự chịu trách nhiệm. Và nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật sư Hà Hải – Đoàn Luật sư TP.HCM

PDC

“Không đưa ra phương án cụ thể khi loại bỏ loại hình hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp là hết sức nguy hiểm”

Một trong các nội dung được nhiều người quan tâm trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là loại hình kinh doanh hộ cá thể sẽ bị bãi bỏ trong Luật Doanh nghiệp mới. Đối với nội dung này, tôi có một số quan điểm như sau:

Thứ nhất, việc không đưa ra phương án cụ thể khi loại bỏ loại hình hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp là hết sức nguy hiểm. Bởi ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về hộ kinh doanh mất rất nhiều thời gian không đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Bên cạnh đó, thời gian trung bình để một đạo luật được ban hành là 3 năm. Như vậy, trong khoảng thời gian này, các hộ kinh doanh sẽ điều chỉnh theo quy định pháp luật như thế nào. Mặt khác, loại hình kinh doanh này rất phổ biến ở Việt Nam, do đó trong thời gian chờ đợi luật điều chỉnh ban hành thì số lượng loại hình hộ kinh doanh sẽ càng gia tăng. Nếu không có quy định pháp luật điều chỉnh thì quyền lợi của chủ hộ kinh doanh sẽ được giải quyết như thế nào khi có vấn đề phát sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của chính bản thân hộ kinh doanh mà nó còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước khi các hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP của cả nước. Nếu không xây dựng hành lang pháp lý an toàn cho hộ kinh doanh thì tất yếu nền kinh tế của Việt Nam sẽ có thể bị rơi vào khủng hoảng.

Thứ hai, không nên quy định hộ kinh doanh như một loại hình doanh nghiệp. Như đã đề cập, số lượng hộ kinh doanh rất nhiều và đa phần là dưới hình thức nhỏ lẻ, người dân lựa chọn loại hình này vì nó đơn giản, gần gũi và thủ tục không rườm rà. Nếu quy định hộ kinh doanh như một “công ty” thì điều này đồng nghĩa các trình tự thủ tục dành cho doanh nghiệp bao gồm chính sách thu chi, khai báo, quyết toán thuế, hệ thống lưu trữ hồ sơ chứng từ trong khi có những hộ kinh doanh chỉ kinh doanh nhỏ lẻ như bán tạp hóa, bán thức ăn sáng, cắt tóc… Nếu xem đây là doanh nghiệp vậy khi lập một hộ kinh doanh sẽ phức tạp, tốn nhiều thời gian. Điều này không chỉ không phù hợp với sự phát triển của xã hội mà còn gây thêm phức tạp, nặng về thủ tục và tạo cồng kềnh cho việc quản lý từ cơ quan chức năng.

Luật sư Trần Minh Hùng – Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM):

“Hộ kinh doanh không còn được quy định trong Luật là một thiếu sót quan trọng”

Luật Doanh nghiệp sửa đổi góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Những tiến bộ rõ nhất là bãi bỏ thủ tục thông báo sử dụng mẫu dấu lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, sửa đổi về khái niệm doanh nghiệp nhà nước và thay đổi tỷ lệ vốn điều lệ trong doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi quy định về thời gian sở hữu và quyền của cổ đông.

Thủ tục hành chính được giảm bớt, phần nào giảm đi áp lực và chi phí kinh doanh. Luật đã thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, hồ sơ điện tử. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cũng giúp nâng cao hiệu lực quản trị, trách nhiệm giải trình, bảo đảm sự bình đẳng của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Sự thay đổi về quy định tổ chức lại doanh nghiệp ngoài việc bổ sung thêm những thiếu sót của Luật Doanh nghiệp trước, còn khuyến khích việc hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty. Và luật cũng thay đổi để các cổ đông nhỏ yên tâm trong việc đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của họ, tránh trường hợp các cổ đông lớn dựa vào tổng số cổ phần áp đảo mà lạm quyền, khống chế.

Theo tôi, việc hộ kinh doanh không còn được quy định trong luật là một thiếu sót quan trọng. Theo đó, việc ban hành luật riêng quy định nội dung này cần thời gian dài. Trong khoảng thời gian tới, tuy cơ quan nhà nước sẽ hướng dẫn nhưng việc chưa có luật riêng quy định chắc chắn sẽ có những lỗ hổng pháp lý, quyền lợi của người dân khi kinh doanh hình thức này có nhiều rủi ro, không được đảm bảo.

Ngoài ra, việc quản lý doanh nghiệp vẫn còn những thiếu sót khi còn nhiều công ty hoạt động không đúng ngành nghề, không đúng loại hình công ty đã đăng ký. Các công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn chỉ phản ánh trên bảng hiệu, còn mang tính gia đình.

Vậy nên, cơ quan nhà nước phải hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động đăng ký, hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cần bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Phải có quy định riêng, rõ ràng, cụ thể đối với loại hình hộ kinh doanh trong thời gian chờ luật riêng được ban hành. Việc quy định này vẫn phải dựa trên tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

Theo doanhnhansaigon.vn

Trả lời

Mọi chi tiết về "Dịch vụ kế toán trọn gói", vui lòng liên hệ

Công ty TNHH Dịch Vụ Thuế & Kế Toán Việt Tín

Uy tín tạo nên Giá trị