Một số lưu ý khi cho, biếu, tặng hàng hóa & dịch vụ

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Doanh nghiệp luôn có những chương trình chăm sóc khách hàng nhằm phục vụ công tác bán hàng được tốt hơn, cụ thể như: tặng quà cho đối tác vào các sự kiện quan trọng để thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài. Vậy, khi tặng quà cho đối tác, các kế toán cần lưu ý một số vấn đề gì? Tại bài viết này, Kế toán Việt Tín xin được lưu ý những nội dung cần thiết trong hoạt động cho/biếu/tặng quà cho đối tác, cụ thể như sau:

1. Thủ tục nội bộ.

Trước khi tiến hành hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất kho hàng hóa, dịch vụ, tại doanh nghiệp cần có các quyết định nội bộ liên quan tới việc thực hiện hoạt động cho, biếu, tặng, khuyến mại này. Tùy vào quy mô của chương trình mà có thể cần 1 trong 2 hệ thống văn bản sau đây:

  • Biên bản họp của hội đồng thành viên, hội đồng cổ đông (nếu là công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần) và quyết định đi kèm.
  • Quyết định của ban giám đốc về việc thực hiện chương trình khuyến mại, cho, biếu, tặng.

2. Hóa Đơn.

Theo quy định tại khoản 7 điều 3 thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung điểm b khoản 1 điều 16 thông tư 39/2014/TT-BTC thì:

Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Như vậy, trong mọi trường hợp khi xuất hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng thì đều phải lập hóa đơn theo quy định.

3. Thuế suất ghi trên hóa đơn (thuế GTGT phải nộp).

Theo khoản 3 và khoản 5 điều 7 thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng thì:

  • Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
  • Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Như vậy có thể kết luận:

  • Đối với hàng hóa dùng để cho, biếu, tặng mà chương trình cho, biếu, tặng này không thực hiện theo chương trình khuyến mại đã đăng ký với sở công thương, thì chịu thuế suất thuế GTGT theo đúng mức thuế suất áp dụng cho hàng hóa đó lúc bán ra, mà giá trị tính thuế của hàng hóa, dịch vụ này bằng với giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm phát sinh.

    Ví dụ: Kế toán Việt Tín có mua 50 hộp bánh trung thu về tặng khách hàng nhân dịp Tết trung thu, giá trị là 500.000 đồng/hộp. Chương trình tặng này không được đăng ký với Sở công thương, vậy khi tặng khách hàng, Kế toán Việt Tín tiến hành lập hóa đơn cho mỗi hộp bánh đã tặng, giá trị tính thuế mỗi hộp là 500.000 đồng, thuế suất thuế GTGT là 10%.

  • Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, cho, biếu, tặng mà chương trình này đã đăng ký với sở công thương, thì giá trị tính thuế = 0. Với trường hợp này thì tại hóa đơn GTGT, chúng ta gạch chéo dòng thuế suất và tiền thuế GTGT.

4. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Theo khoản 5 điều 14 thông tư 219/2014/TT-BTC thì:

  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ
  • Mọi người lưu ý ở chỗ “phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ”, có nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT như phần mềm, nông sản chưa qua chế biến, đào tạo, dạy nghề…, nhưng họ vẫn có các chi phí quà tặng, quà biếu. Các khoản này sẽ không được khấu trừ VAT.

5. Chi phí hợp lý của hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng.

Thông tư 96/2015/TT-BTC đã chính thức bãi bỏ điểm 2.21 Khoản 2 Điều 6, Khoản 5 Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, theo đó, phần chi cho quảng cáo, tiếp thị, khánh tiết, chi cho khuyến mại, chi phí cho, biếu, tặng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng đã không còn bị giới hạn. Do đó, Doanh nghiệp sẽ được tính chi phí hợp lý cho hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng khi đáp ứng đủ điều kiện đã ghi tại khoản 1 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC.

Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
  • Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng

6. Có phải ghi nhận doanh thu tính thuế khi xuất hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng không?

Điều 7 thông tư 78/2014/TT-BTC không hề đề cập đến việc ghi nhận doanh thu tính thuế khi xuất hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng.

Trả lời

Mọi chi tiết về "Dịch vụ kế toán trọn gói", vui lòng liên hệ

Công ty TNHH Dịch Vụ Thuế & Kế Toán Việt Tín

Uy tín tạo nên Giá trị