Thông tư 09/2015/TT-BTC DN góp vốn phải chuyển khoản không dùng tiền mặt

Khi góp vốn, mua bán, chuyển nhượng vốn giữa các DN, vay, cho vay, trả nợ vay lẫn nhau thì phải chuyển khoản không bằng tiền mặt. Cá nhân có được góp vốn bằng tiền mặt không?



Doanh nghiệp góp vốn phải chuyển khoản không dùng tiền mặt:
 

Theo Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định:


– Các DN không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

– Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào DN khác, vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

    a) Thanh toán bằng Séc;

    b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

    c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Lưu ý:

– Đối tượng áp dụng là Các doanh nghiệp và tổ chức có liên quan trong quan hệ giao dịch.

Như vậy: Thông tư 09 này chỉ áp dụng cho các DN không áp dụng cho cá nhân góp vốn vào DN nhé.

—————————————————————————————————–

BỘ TÀI CHÍNH
——–
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 09/2015/TT-BTCHà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2015

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN GIAO DỊCH TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 6 NGHỊ ĐỊNH SỐ 222/2013/NĐ-CP NGÀY 31/12/2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP của Chính phủ,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn hình thức thanh toán của doanh nghiệp trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác; và hình thức thanh toán của các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng trong quan hệ vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp và tổ chức có liên quan trong quan hệ giao dịch quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác

1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

3. Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 4. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng

1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/03/2015.

2. Doanh nghiệp có hành vi vi phạm khi thực hiện các giao dịch tài chính quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

Tải Thông tư 09/2015/TT-BTC về tại đây:

Thông tư 09
———————————————————————————————
Cá nhân góp vốn vào Doanh nghiệp bằng tiền mặt thì được. 
Theo Công văn 786/TCT-CS ngày 1/3/2016 của Tổng cục thuế:  

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
———-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 
—————
Số: 786/TCT-CS
V/v chính sách thuế.
Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2016
Kính gửi:Viện Đào tạo mở và nghiên cứu phát triển.
(Địa chỉ: 504 Đại lộ Bình Dương, P. Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 05-2015/Bolt-KT ngày 25/12/2015 của Viện Đào tạo mở và nghiên cứu phát triển hỏi về giao dịch góp vốn bằng tiền mặt và thuế GTGT của nhà thầu nước ngoài đối với dịch vụ cung ứng giảng viên ngoại ngữ. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Quy định về thanh toán bằng tiền mặt.

Tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt quy định:

“Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp

1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.”

Căn cứ quy định trên thì các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt khi góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Quy định trên không áp dụng bắt buộc đối với cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế trả lời để Viện Đào tạo mở và nghiên cứu phát triển biết và thực hiện./.

Trả lời

Mọi chi tiết về "Dịch vụ kế toán trọn gói", vui lòng liên hệ

Công ty TNHH Dịch Vụ Thuế & Kế Toán Việt Tín

Uy tín tạo nên Giá trị