Tiền Giang – Một chuyến đi

Theo thường lệ của ngôi nhà chung Việt Tín, để thêm hiểu nhau và có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, sau mỗi kỳ báo cáo quý bận rộn và đầy áp lực, chúng tôi sẽ có một chuyến đi phượt về thăm quê của một trong các thành viên của công ty. Lần này chúng tôi chọn Gò Công – quê hương của bạn Trâm – một nhân viên ưu tú của công ty.

Trước lúc khởi hành, ai cũng e ngại về tiết trời nóng khi sang hè, thế nhưng dường như trời thương nên đã mưa một trận khá to lúc trời gần sáng. Nhờ vậy mà hành trình từ Sài Gòn tới cầu Mỹ Lợi thuận lợi trong tiết trời mát mẻ.

Qua chân con cầu Mỹ Lợi lộng gió bắt ngang qua sông Vàm Cỏ. Con sông mà từ xưa đến nay tôi chỉ được biết đến qua lời bài hát : “Ở tận sông Hồng, em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết, Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”. Lòng sông rộng, nước sông đầy. Từ trên cầu nhìn xuống, những chiếc xuồng theo con nước trôi đi. Đối với miền đồng bằng sông Cửu Long, sông vẫn là một phần không thể thiếu để nuôi sống con người nơi đây.

Cầu Mỹ Lợi

Đã đến nơi rồi, quê hương Gò Công thân thương, nào chúng ta cùng trải nghiệm nhé!

Di tích Dinh Tỉnh trưởng Gò Công

Điểm đến đầu tiên của chuyến đi là Di tích Dinh Tỉnh trưởng Gò Công, sau khi ghé nhà Ngoại của “Bé” để dừng chân uống nước.

Một địa danh mang lại cho du khách bao xúc cảm về một thời oai hùng lịch sử,  không nơi nào khác đó chính là Dinh Tỉnh trưởng. Được người Pháp xây dựng vào năm 1885, đây là công trình kiến trúc hoành tráng bậc nhất lúc bấy giờ.

Dinh Tỉnh trưởng Gò Công

Với diện tích hơn 1000m2, nằm trên con đường Nguyễn Văn Công, với niên đại hơn 100 tuổi, công trình kiến trúc này đã bị lãng quên hơn 20 năm. Đến đây, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng, thưởng lãm nét kiến trúc xưa cũ mà còn được chụp những bức hình siêu chất. Vậy tại sao không ghé xứ sở Gò Công để ghé thăm địa điểm du lịch đầy sức hút này.

Nhà Đốc Phủ Hải

Một địa điểm du lịch Gò Công bạn không thể bỏ qua trong chuyến hành trình, đó là nhà Đốc Phủ Hải. Lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa hai nền kiến trúc tây- ta tạo nên điểm nhấn cho ngôi nhà này. Mặc dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, ngày càng được nhiều du khách ghé thăm mỗi khi có dịp về thăm xứ sở Gò Công.

Nhà Đốc Phủ Hải

Tượng đài Bình Tây Đại nguyên soái – Trương Định

Tiếp theo, tranh thủ đến biển Tân Thành khi trời bắt đầu nắng hơn 38 độ. Tuy nhiên, nắng thì nắng nhưng đã chạy qua thì vẫn không quên check in tượng đài Bình Tây Đại nguyên soái – Trương Định.

“ Gò Công anh dũng tuyệt vời

Ông Trương “ đám lá tối trời” đánh Tây”

Tượng đài Bình Tây Đại nguyên soái – Trương Định

Bình Tây Đại Nguyên soái là Trương Định, ông là vị thủ lĩnh vĩ đại thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Trương Định còn có tên là Trương Công Định, ông sinh năm 1820 ở phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Trương Định sống ở quê hương Quảng Ngãi cho đến năm 24 tuổi mới theo cha là Trương Cầm- người giữ chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định (thời vua Thiệu Trị).

Trương Định là người chí dũng song toàn. Sau khi cha ông mất, ông ở lại nơi cha đóng quân. Sau đó, ông kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông ngày nay).

Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, ông đã đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập ấp ở Gò Công, Gia Định. Với công lao đó, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên dân chúng còn gọi ông là Quản Định. Năm 1854, trong thời gian khẩn hoang Trương Định đã gặp và cưới bà Trần Thị Sanh – là anh em con cô con cậu với bà Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức).

Thăm biển Tân Thành

Cái nắng nóng của Sài Thành làm bạn ngột ngạt giữa chốn phố thị ồn ào. Những dịp cuối tuần, tại sao không “gõ cửa” bãi biển Tân Thành ở xứ sở Gò Công để xua tan bao sự mệt mỏi của một tuần làm việc đầy sự áp lực, chạy cho kịp deadline công việc. Chỉ cách Sài Gòn khoảng 78km, địa điểm du lịch này khá lý tưởng để thực hiện chuyến du ngoạn trong ngày.

Khác xa với những bãi biển cát trắng, nước xanh thẳm một màu của những khu resort, những bãi biển nổi tiếng khác. Biển Tân Thành – Gò Công tuy còn hoang sơ nhưng vẫn thu hút khách bằng chính vẻ hoang sơ của nó. Điều làm tôi cảm thấy thú vị nhất của bãi biển này là những tiếng sóng vỗ vào đá. Rì rào, rào rạt, nghe rất có hương vị biển. Những tảng đá to nhỏ khác nhau này chỉ để nhằm ngăn sạt lỡ đất do sóng biển, vô tình hay đã được sắp đặt, chính điều này đã tạo nên một nét đẹp rất riêng cho biển Tân Thành.

Biển Tân Thành

Mỗi vùng miền sẽ có những hoạt động rất riêng và những ngôn ngữ rất riêng. Tôi đã biết như thế nào là con ghe rỗi, là con ghe lái thương mà người dân đi biển vẫn hay dùng.

Phút ngẫu hứng, có lẽ là dân thành phố, nên không có cơ hội để leo trèo, nên…

Những khoảnh khắc thật thú vị và đáng nhớ.

Sau khi hóng gió biển cũng như selfie, giờ là lúc tập trung trước khi về nhà “Bé”

Thăm nhà Gia chủ “Bé”

Cô “Bé” – chủ nhà thiệt là tâm lý, mọi người khá là khát nước sau khi trở về từ Biển Tân Thành với đoạn đường dài gần 30 km và thời tiết nóng nực, thì đã có trà sữa đây rồi. Thật tuyệt vời!

Sau quãng thời gian tầm 1 giờ đồng hồ, cuối cùng đã về tới nhà của “Bé”. Đường vào nhà Bé nhiều đường nhỏ quanh co, qua những chiếc cầu nhỏ xíu lắt lẻo, đã vào rồi thì lại càng khó ra hơn. Lần đầu tiên, tôi có cảm giác thật lạ và mới mẻ đến thế.

Ngôi nhà của gia chủ nằm bên mé sông nên có gió mát lộng khắp nơi, thật dễ chịu. Lúc đó thèm thả diều ghê… Tiếc là ai cũng khá mệt nên mọi người chọn nghỉ ngơi, tắm rửa để quẩy vào buổi tối.

Tham quan bến ghe của đại gia đình “Bé”

Đại gia đình nhà “Bé” có sở hữu 5 chiếc ghe đi biển, nguồn thu nhập chính của gia đình. Chúc cho Đại gia đình mình luôn có những chuyến đi biển bình an và đầy ắp tôm cá.

Nhập tiệc vào buổi tối

Nào mình cùng Say “Hi” trước lúc nhập tiệc.

Để có được buổi tiệc ngon như vậy, mọi người đều trải qua quá trình vô cùng gian khó và không bao giờ quên được. Mỗi người một việc tùy theo sức của mình.

Nhờ Thần đèn Mr.T, mọi người đã có ánh sáng để làm thể hiện tài năng làm việc vô cùng năng suất của mình để làm mực.

Thường biết con mực có túi mực, bây giờ tôi đã biết nó nằm đâu. Nhưng biết được việc gì mới cũng phải qua một giai đoạn học hỏi .

Người Gò Công mến khách, bát cơm chén rượu trọng nghĩa trọng tình. Rượu Gò Đen nổi tiếng xưa nay.

“Tôi ở làng Tây vẫn thường vượt đồng xa sang làng Đông đong rượu.

Đế Gò Đen một thời lừng lẫy tiếng đồn gần xa khắp lục tỉnh Nam Kỳ”

Cảm ơn sự tài trợ hải sản vô cùng tươi sống của nhà “Bé”, cảm ơn sự tiếp đãi nhiệt tình từ gia đình “Bé”. Nhìn thấy mẹ “Bé” chăm lo mọi thứ làm bản thân thấy nhớ mẹ ghê, huhu @_@. Đêm nay Cô đã  không ngủ, cô có quá nhiều thứ phải chuẩn bị và giải quyết, Cô muốn mọi thứ thật chu đáo và trọn vẹn để mọi người có một chuyến đi không phải lo lắng gì. Thương Cô, thầm mong Cô luôn được vui vẻ và mọi điều được như ý muốn.

Có lẽ lòng mến khách và sự nhiệt tình của người Miền tây đã làm tôi quá đỗi ngạc nhiên, khi ba của “Bé” đang đánh bắt cá ở ngoài khơi vài chục hải lý, nghe tin có bạn đồng nghiệp cùng về chơi liền tạm gác lại công việc để quay về nhà, mang những hải sản tươi sống, ngon nhất về đãi khách. Chắc khỏi nói thì mọi người cũng có thể đoán được buổi tiệc tối đó thịnh soạn cỡ nào rồi, chúng tôi đã có một buổi tối kéo dài tới một giờ sáng khi mọi người đã say sưa hết. Sau khi buổi tiệc kết thúc chúng tôi nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày mới.

Trảỉ nghiệm đổ bánh xèo và giải nhiệt với dừa nước

Vậy là mỗi người, ai cũng có dĩa bánh xèo do chính tay mình làm, nào cùng thưởng thức thôi.

Giữa thời tiết oi nóng của mùa hè, thì có món dừa nước thanh mát để giải nhiệt thì còn gì bằng. Và để có thành quả thì phải trả qua công đoạn chặt dừa cũng khá vất vả, nhưng mà cũng vui không kém đâu nha.

Kết thúc một chuyến đi

Hai ngày tuy không dài nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận hết sự yên bình và vẻ đẹp của con người nơi đây. Tuy thời tiết còn oi bức và thấm thía được câu hát “ muỗi kêu mà như sáo thổi”. Nhưng những điều này không đáng là gì để ngăn bước chân của chúng tôi quay về nơi đây một lần nữa để khám phá thêm nhiều điều thú vị hơn. Tôi tin là nếu trở lại một lần nữa, họ – những  người Gò Công nói chung và đặc biệt là gia đình “Bé” vẫn mở lòng đón tiếp chúng tôi.

Chuyến đi về miền Tây này sẽ là trải nghiệm đáng nhớ, để hiểu thêm về tập quán vùng miền và là kỷ niệm gắn kết chúng tôi lại với nhau.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

Và chúng tôi chọn đi cùng nhau.

Tác giả: tập thể Kế toán Việt Tín


Trả lời

Mọi chi tiết về "Dịch vụ kế toán trọn gói", vui lòng liên hệ

Công ty TNHH Dịch Vụ Thuế & Kế Toán Việt Tín

Uy tín tạo nên Giá trị