TP HCM thiếu lao động

Các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM đang thiếu nhiều công nhân do lao động ở các đơn vị này giảm khoảng một nửa so với giai đoạn trước ngày 1/10.

Thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM nói tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn chiều 4/10. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố sang ngày thứ 4 thực hiện Chỉ thị 18 về biện pháp phòng Covid-19, từng bước phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Hải, giai đoạn trước ngày 1/10, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn có khoảng 288.000 lao động. Trong đó, hơn 70.000 lao động làm việc theo chế độ “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến”. Từ ngày 1/10 đến nay, số lao động thực hiện “3 tại chỗ” giảm còn 45.000 và khoảng 33.000 lao động đăng ký mới. Số lao động “3 tại chỗ” chuyển thành bình thường và số bổ sung thêm khoảng 57.000.

“Tổng cộng hiện có 135.000 lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp, chiếm tỷ lệ 46%. Do vậy, lao động ở các đơn vị này còn rất thiếu. Các doanh nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng, bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình”, ông Hải nói.

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM. Ảnh: Hữu Công
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM. Ảnh: Hữu Công

Đối với Khu công nghệ cao, ông Hải cho biết giai đoạn trước 1/10 có khoảng 50.000 lao động, trong đó 25.000 lao động làm việc theo chế độ “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến”. Sau ngày 1/10 đến nay số lao động làm việc theo chế độ này đã giảm lại. Khu công nghệ cao đã làm việc với các doanh nghiệp rà soát nhu cầu lao động để tiếp tục tuyển dụng.

Theo ông Hải, trong 50.000 lao động của Khu công nghệ cao có 40.000 người ở TP HCM, số còn lại đa phần ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Vì vậy, đơn vị này đang khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để có thêm nhiều lao động, phục vụ cho hoạt động tại khu vực này.

Liên quan nhu cầu tìm người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý 3, thành phố có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là 43.600-56.800 người.

Về hướng giải quyết, ông Lâm cho biết với lao động đi về quê, họ sẽ nhận được tin nhắn mời về TP HCM để tiếp tục làm việc. Điều kiện làm việc phải đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất, ví dụ như tiêu chí về xét nghiệm, tiêm chủng…

Nhân viên Công ty TNHH Datalogic ở TP HCM trong thời gian thực hiện 3 tại chỗ. Ảnh: An Phương
Nhân viên Công ty TNHH Datalogic ở TP HCM trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: An Phương

Đối với nguồn lao động là lực lượng lao động tại TP HCM có nhu cầu tìm việc, TP HCM có 127 cơ quan giới thiệu việc làm, nòng cốt là trung tâm việc làm của thành phố và thanh niên. Các cơ quan này đang khảo sát để tư vấn, giới thiệu danh sách cụ thể, có địa chỉ người lao động và doanh nghiệp. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ kết nối 2 bên, nếu phù hợp nhu cầu sẽ giới thiệu để làm việc.

Ngoài ra, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ giới thiệu học sinh trung cấp nghề, sinh viên cao đẳng nghề sắp ra trường với doanh nghiệp có nhu cầu nguồn lao động. “Ba nguồn trên có thể đảm bảo cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất sau dịch”, ông Lâm nói.

Từ 1/10, TP HCM và một số tỉnh lân cận nới lỏng giãn cách sau nhiều tháng liền siết chặt theo Chỉ thị 16. Sau khi lệnh nới lỏng được công bố, rất nhiều lao động và công nhân, nhất là các tỉnh miền Tây đã đi xe máy về quê. Theo thống kê của Bộ Công an, có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê.

Theo Hữu Công (Vnexpress)

Trả lời

Mọi chi tiết về "Dịch vụ kế toán trọn gói", vui lòng liên hệ

Công ty TNHH Dịch Vụ Thuế & Kế Toán Việt Tín

Uy tín tạo nên Giá trị